Cách tính điểm và handicap Golf

Par

Bài chi tiết: Par (golf)
Một hố golf par-3 ở Phoenician Golf Club, Scottsdale, ArizonaMột tảng đá báo hiệu đây là một hố par 5

Một hố golf được phân loại theo par hay số gậy chuẩn mà một tay golf giỏi cần đạt được để hoàn thành một hố.[17] Par tối thiểu của một hố là 3 bởi par luôn gồm ít nhất một cú tee và hai cú putt. Các par 4 và 5 là các par phổ biến trên sân; một vài sân thậm chí có thể có các hố par 6 hay par 7. Ngoài tee và putt, các cú đánh khác thường (nên) được thực hiện tại fairway; ví dụ, một tay golf giỏi thường muốn vào green tại một lỗ có par là 4 trong hai gậy — một từ cú tee (hay drive) và một cú thứ hai vào green (cú "tiếp cận") — và sau đó đưa bóng lăn vào hố trong hai putt để đạt par. Khi bóng vừa vào green mà người chơi vẫn còn tối thiểu hai putt để đạt par thì có nghĩa người đó đã thực hiện "green in regulation" hay GIR thành công.[30] Việc để lỡ GIR không có nghĩa là người chơi golf không giành par, nhưng sẽ khó thành công hơn; ngược lại, đạt được GIR không bảo đạm bạn có par, bởi đôi khi bạn phải mất ba putt để kết thúc lỗ. Các tay golf chuyên nghiệp thường có tỉ lệ GIR là 60% tới 70%.[31]

Nhân tố chính để phân loại par cho một hố tương đối thẳng tắp và không có chướng ngại vật là khoảng cách từ tee tới green. Một hố par 3 thường ngắn hơn 225 m, par 4 là từ 225–434 m, par 5 là trên 435 m. Par 6 ít gặp có thể lên tới 590 m. Các khoảng cách này dựa trên tầm xa của cú drive trong khoảng 220 và 260 m của một tay golf thông thường. Tuy nhiên cũng cần phải xem xét tới các yếu tố khác. Độ dốc của mặt đất từ tee tới lỗ cũng gia tăng hoặc giảm thiểu quãng đường lăn của bóng. Những khúc ngoặt hay chướng ngại vật cũng buộc các tay golf phải "lay up" tại fairway để chuyển hướng hoặc đánh bóng qua chướng ngại vật ở cú đánh tiếp theo. Những yếu tố về mặt thiết kế này sẽ ảnh hưởng tới cách một tay golf thi đấu, bất kể khoảng cách từ tee tới green là ít hay nhiều, và do đó cũng cần được tính để đặt par cho hố.[32] Tuy nhiên, điểm par không bao gồm việc có thể có gậy phạt, vì một người chơi thông thường không muốn đưa bóng vào bẫy nước hay các tình huống bóng không hợp lệ.

Các sân mười tám lỗ thường có điểm par tổng là 72 cho một vòng chơi, tức par trung bình của một lỗ là 4; thường một sân được thiết kế với số lỗ par 5 và par 3 bằng nhau, còn lại là par 4. Nhiều sân có tổng par là 68 cho tới 76, nhưng không có nghĩa sân đó kém giá trị hơn sân có par-72. Ở một số quốc gia, các sân thường được phân loại theo độ khó, và độ khó này được dùng để tính toán handicap hay điểm chấp của một golfer tại sân đó.[33]

Hai loại điểm đánh giá độ khó tại Hoa Kỳ là Course Rating, hay điểm dành cho một "scratch golfer" (tay golf thông thường) có handicap bằng 0 thi đấu tại sân đó (và có thể sẽ khác so với par của sân), và Slope Rating, dùng để đo mức độ tồi tệ có thể của một "bogey golfer" (với handicap 18) so với một "scratch golfer". Hai loại điểm này áp dụng cho bất kỳ sân golf nào nằm dưới sự quản lý của USGA, và được sử dụng trong một hệ thống tính handicap.

Tính điểm

Mục đích mỗi vòng là mất càng ít gậy càng tốt. Điểm của người chơi luôn là hiệu số của số gậy trừ đi số điểm par. Một cú hole in one (còn gọi là "ace" hay ăn điểm trực tiếp) xảy ra khi người chơi đưa bóng vào lỗ ngay từ cú đánh ở tee. Số điểm ở mỗi hố thường có một tên gọi riêng biệt.[17]

Điểm dạng sốTênĐịnh nghĩa
−4Condorbốn gậy dưới par
−3Albatross (Double Eagle)ba gậy dưới par
−2Eaglehai gậy dưới par
−1Birdiemột gậy dưới par
EParbằng par
+1Bogeyone gậy trên par
+2Double bogeyhai gậy trên par
+3Triple bogeyba gậy trên par

Hệ thống handicap

Bài chi tiết: Handicap (golf)

Handicap là phép đo bằng số về khả năng của một tay golf tại một sân golf 18 lỗ. Handicap của một người thường đại diện cho số gậy trên par mà người đó sẽ mắc trong một vòng đấu trung bình tại sân đó. Người chơi càng giỏi thì handicap càng thấp. Một số người có handicap 0 hoặc thấp hơn gọi là scratch golfer, và thông thường sẽ đạt hoặc vượt par của sân trong một vòng chơi (phụ thuộc vào độ khó của sân).

Tính toán handicap thường phức tạp, chủ yếu do không phải sân nào cũng khó như nhau hay không phải trình độ người chơi nào cũng như nhau. Một người có par ở sân A có thể có 4 gậy trên par ở sân B, hoặc một người có 20 gậy trên par ở sân A lại làm tốt hơn với 16 gậy trên par ở sân B. Đối với "scratch golfer", sân B khó hơn, nhưng với "bogey golfer", sân A khó hơn. Nguyên nhân là do các thử thách ở của sân có ảnh hưởng khác nhau đối với mỗi người. Khoảng cách thường là vấn đề với các tay golf "bogey" nghiệp dư vì tốc độ vung gậy của họ chậm nên bóng đi không xa, vì vậy cần nhiều gậy mới tới green. Tuy nhiên các sân thường thiết kế với các chướng ngại vật để giảm bớt lợi thế đánh xa hơn của các tay golf chuyên, buộc họ phải "lay up" để tránh hố cát hoặc bẫy nước, trong khi bogey golfer không bị ảnh hưởng nhiều vì chướng ngại vật nằm ngoài tầm của họ. Các yếu tố địa hình và duy trì fairway có thể ảnh hưởng tới tất cả các golfer ở mọi trình độ; làm hẹp fairway bằng nhiều vật cản hay mở rộng rough ở hai bên thường tăng tỉ lệ đánh bóng vào khu vực bất lợi, từ đó tăng thử thách cho mọi người chơi.

Các hình thức chơi golf cơ bản

Có hai hình thức chơi golf cơ bản là match play và stroke play. Stroke play là kiểu chơi phổ biến hơn.

Match play

Trong một trận match play, hai tay golf (hoặc hai đội) tranh tài tại mỗi hố như một cuộc thi đấu riêng rẽ. Bên có điểm số thấp hơn tại lỗ sẽ thắng lỗ đó, còn nếu hai bên có số điểm bằng nhau thì hố đó được "chia đôi" (hay là hòa). Sau khi tất cả các hố được hoàn thành, bên nào có nhiều hố thắng hơn sẽ chiến thắng trận đấu. Trong trường hợp một bên có khoảng cách dẫn điểm không thể bị san bằng hay vượt qua, thì trận đấu sẽ kết thúc luôn mà không cần phải thi đấu các hố còn lại. Ví dụ, nếu một bên đang dẫn sáu hố, và chỉ còn năm hố nữa là hết trận, trận đấu kết thúc và bên đang dẫn được coi là thắng "6 & 5". Ở bát cứ thời điểm nào, nếu số điểm dẫn trước bằng số lỗ còn lại, bên dẫn trước được gọi là "dormie", và trận đấu tiếp diễn cho tới khi bên dẫn trước gia tăng cách biệt thêm một hố hoặc hòa bất kỳ hố nào trong các hố còn lại, hoặc trận đấu kết thúc với tỉ số hòa với bên bị dẫn thắng tất cả các hố còn lại. Khi trận đấu kết thúc với tỉ số hòa, hai bên có thể tiếp tục chơi tới khi một bên thắng.[17]

Stroke play

Điểm số đạt được ở mỗi hố tại một vòng hoặc cả giải đấu được tính vào tổng điểm, và người chơi có tổng điểm thấ nhất sẽ thắng stroke play. Stroke play là kiểu chơi phổ biến nhất. Tại các giải chuyên nghiệp, nếu có tỉ số hòa ở vị trí dẫn đầu sau tất cả các hố, tất cả các tay golf bằng điểm sẽ thi đấu một trận playoff. Playoff có thể theo thể thức sudden death hoặc diễn ra trong một số lượng hố được ban tổ chức đề ra trước (từ 3 tới 18). Trong sudden death, người chơi có số điểm thấp nhất tại hố so với tất cả các đối thủ sẽ thắng. Trong thể thức playoff với số lỗ cho trước, nếu có ít nhất hai người bằng điểm nhau sau khi tất cả các hố kết thúc thì những người bằng điểm sẽ bước vào sudden death, trong đó người nào thắng một hố sẽ vô địch giải đấu.

Các hình thức phổ biến khác

Lối chơi đồng đội

Câu lạc bộ golf Junín, Junín, Argentina
  • Foursome: theo Luật 29, foursome diễn ra giữa hai đội hai người, mỗi đội chỉ có một quả bóng và người chơi của mỗi đội thay phiên thực hiện cú đánh của đội mình. Ví dụ, nếu "A" và "B" cùng một đội, "A" tee ở hố thứ nhất, "B" sẽ đánh cú thứ hai, "A" thực hiện cú thứ ba, và cứ thế tới khi bóng vào lỗ. Ở hố thứ hai, "B" sẽ phát bóng (bất kể ai là người putt cuối cùng ở lỗ 1), "A" đánh cú thứ hai, và cứ thế tới hết lỗ. Foursome có thể đánh theo kiểu match play hoặc stroke play.[34]
  • Fourball: theo Luật 30 và 31, fourball cũng diễn ra giữa hai đội hai người, nhưng mỗi người có một quả bóng riêng và khi so sánh kết quả hai bên thì sẽ tính kết quả của người có điểm số thấp hơn của mỗi đội. Fourball cũng có thể đánh theo kiểu match play hoặc stroke play.[35]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Golf http://www.home.aone.net.au/~byzantium/golf/ghisto... http://golf.about.com/cs/golfterms/g/bldef_fourbal... http://golf.about.com/cs/golfterms/g/bldef_foursom... http://golf.about.com/cs/golfterms/g/bldef_par.htm http://golf.about.com/cs/rulesofgolf/a/hfaq_sloper... http://golf.about.com/od/handicaps/f/faq_parlength... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/438170/p... http://www.cleveland.com/sports/index.ssf/2009/10/... http://kaleidoscope.cultural-china.com/en/141Kalei... http://www.etymonline.com/index.php?search=links&s...